Đại dịch COVID 19 khiến ngành gỗ đứng trước thảm cảnh không có đơn hàng kể từ tháng 4/2020 cho đến năm 2021

31-03-2020

Năm thị trường Xuất khẩu chính  gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam gồm Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc chiếm tới trên 90% thị phần xuất khẩu có diễn biến phức tạp bởi dịch Covid 19, hiện đang thực hiện lệnh phong tỏa khiến các doanh nghiệp chế biến gỗ Việt Nam liên tiếp nhận được các thông báo hủy đặt hàng, giãn đơn hàng trong thời gian gần đây.

Theo báo cáo sơ bộ từ các Hiệp hội gỗ địa phương và các doanh nghiệp chế biến gỗ  từ giữa tháng 3 cho tới này ngành đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng, cụ thể:

Thị trường xuất khẩu chiếm 50% thị phần là  Mỹ ,đã có trên 80% các nhà mua hàng xuất sang thị trường này đã  có thông báo dừng mua hàng, hủy đơn hàng  đợi tình hình mới

Thị trường EU: 81% doanh nghiệp đã nhận được thông báo hủy đơn và giãn đơn hàng

Các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc cũng giảm từ 60-80%

Hơn thế nữa có 96% doanh nghiệp có quan hệ vay vốn ngân hàng và chịu áp lực về lãi vay cũng như thời gian trả nợ.

Trong khi các thị trường trọng điểm liên tiếp có các tín hiệu không lạc quan, để duy trì các đơn hàng còn lại, đơn hàng nhỏ lẻ, các DN còn phải đối mặt với việc giá gỗ nguyên liệu tăng cao từ 10-20 USD/m3 gỗ nguyên liệu do thiếu công nhân khai thác gỗ nguyên liệu, thiếu container rỗng và giá cước tàu tăng từ 500-1000 USD/container, và còn tiếp tục tăng cao trong những tháng tới do đứt gãy nhiều chuỗi cung ứng toàn cầu.

( Ảnh minh họa)

Với diễn biến phức tạp của dịch bệnh, hiện tại các khách hàng không tới nhà máy duyệt mẫu do đó các doanh nghiệp gỗ Việt chưa ký được đơn hàng mới cho mùa hàng 2020 – 2021, do vậy nhiều nhà máy tiền ẩn nguy cơ nhà máy đóng cửa và ngừng hoạt động trong thời gian tới, hàng trăm nghìn lao động đối mặt với tình trạng thất nghiệp, không đảm bảo việc làm và an sinh xã hội cho người lao động trong thời gian dài.

Cũng giống như các ngành như dệt may, da giày, ngành công nghiệp chế biến gỗ 1 trong 3 ngành xuất khẩu chủ lực đang phải đối mặt với nguy cơ hầu hết các doanh nghiệp sẽ phải ngừng sản xuất vào nửa cuối tháng 4/2020 và hoàn toàn mất khả năng hỗ trợ người lao động, nếu không có sự trợ giúp mạnh mẽ của Chính phủ.

Trước tình hình đó, ngành chế biến gỗ rất cần sự hỗ trợ từ phía Nhà nước để cứu ngành có giá trị xuất khẩu gần 11 tỉ USD vào năm 2019 vượt qua khó khăn này.  Thời gian quan Bộ Tài chính đã dự thảo Nghị định giãn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất tuy nhiên, theo Quyết định 27/2018/QĐ-TTg ngày 06 tháng 7 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về Ban hành hệ thống ngành kinh tế Việt Nam, công nghiệp chế biến gỗ không được coi là một phần của lâm nghiệp và theo Quyết định này, ngành chế biến gỗ thuộc các mục C – Công nghiệp chế biến chế tạo, cụ thể ở phần ngành cấp 2, mã ngành 16 và mã ngành 31 không nằm trong nhóm ngành tại mục 1 Điều 1 của Dự thảo Nghị định Gia hạn thời gian nộp thuế và thuê đất đề cập đến. Như vậy ngành chế biến gỗ – một ngành xuất khẩu chủ lực đã bị loại ra khỏi gói hỗ trợ này.

Trong chỉ thị số 08 của Thủ tướng chính phủ ngày 28 tháng 03 năm 2019, có nêu đưa ngành gỗ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Nhưng tới thời điểm hiện tại khi trên 5000 DN chế biến gỗ trên cả nước đang điêu đứng, đối mặt với hàng loạt khó khăn, thách thức thì ngành chế biến gỗ đang bị đối xử không công bằng so với các ngành tương tự như da giày, dệt may. Đặc biệt là tâm lý cảnh giác, e sợ của các ngân hàng thương mại trước một cộng đồng doanh nghiệp ngành gỗ bị thiệt hại nặng nề nhưng không được sự hỗ trợ từ Chính phủ, sẽ dẫn đến việc ngân hàng không cho vay, giảm hạn mức vay và tăng lãi suất cho vay vì mức độ rủi ro cao, điểm tín dụng thấp.

Do vậy, trước bối cảnh cấp thiết này, cộng đồng doanh nghiệp ngành chế biến gỗ đang rất cần sự hỗ trợ thiết thực từ Chính phủ như là lời động viên cần thiết, là chỗ dựa tinh thần vững chắc để toàn ngành gỗ nêu cao tinh thần trách nhiệm, đi tiên phong trong công tác phòng chống dịch theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo quốc gia, bảo đảm vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa giữ yên lòng dân và phát triển sản xuất.

Đồng thời sự hỗ trợ của Chính phủ, các bộ ngành sẽ giúp duy trì DN ngành chế biến gỗ tồn tại, trụ lại được sau đại dịch để một khi đại dịch lắng dịu, nền kinh tế thế giới bắt đầu khởi động lại, phục hồi nhu cầu tiêu dùng, thì DN chế biến gỗ Việt còn có nội lực, còn có sức cạnh tranh trước những đối thủ như Trung Quốc… vốn được Chính phủ các nước này hỗ trợ mạnh mẽ. Nếu các DN ngành gỗ Việt không nhận được sự hỗ trợ sẽ chứng kiến tình trạng đóng cửa, phá sản lan tràn trước nguy cơ mất hết thị phần xuất khẩu ở ngay chính các thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc… mà cộng đồng DN đã dày công xây dựng và phát triển trong hơn 2 thập kỷ qua.

Để giảm thiểu khó khăn và thiệt hại mà doanh nghiệp ngành gỗ đang phải đối mặt, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đề nghị Chính phủ đưa các phân  ngành sau vào Dự thảo Nghị định giãn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất:

  1. Chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn, ghế); sản xuất sản phẩm từ rơm, rạ và vật liệu tết bện sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn, ghế) (phân ngành 16- viên nén, ván lạng,….);
  2. Sản xuất giường, tủ, bàn, ghế (phần ngành 31- Đồ gỗ );
  3. Gia công cơ khí; xử lý và tráng phủ kim loại (mã ngành cấp 4: 2592 – phụ kiện hardware)

Đồng thời sớm xem xét việc hoàn thuế giá trị gia tăng đối với các đơn vị xuất khẩu đủ điều kiện; miễn thuế xuất khẩu đối với mặt hàng gỗ xẻ có nguồn gốc từ gỗ nhập khẩu có nguồn gốc xuất xứ từ các nước quản trị rừng tốt như EU, Hoa Kỳ, Canada, Nhật Bản..; miễn giảm và gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng; miễn thuế suất thuế xuất khẩu 2% còn 0% đối với mặt hàng dăm gỗ xuất khẩu.

Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam